Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là một công cụ đánh giá cần thiết để đo lường, kiểm soát tính bền vững của đô thị giúp các cấp chính quyền ra quyết định một cách chính xác và hiệu quả nhất.
Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – GIS) được biết đến khá sớm tại Việt Nam và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực về quản lý tài nguyên và môi trường. Đối với lĩnh vực quản lý đô thị, GIS mới có những bước phát triển ban đầu trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây với các nghiên cứu, dự án ứng dụng GIS trong công tác khảo sát đo đạc, quản lý quy hoạch, quản lý hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, cấp nước…).Mặc dù vậy, ý thức được vai trò quan trọng của GIS đối với ngành Xây dựng nói chung và công tác quản lý đô thị nói riêng, trong những năm qua Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành một số chủ trương, quyết định và văn bản để định hướng, chỉ đạo việc ứng dụng GIS vào công tác quản lý phát triển đô thị. Đặc biệt, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc ứng dụng hệ thống GIS và công nghệ số, nền tảng số trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị.
Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã ứng dụng GIS trong công tác quản lý đô thị và đạt được một số kết quả đáng chú ý. Cụ thể, GIS được nhiều tỉnh, thành phố ứng dụng để quản lý cơ sở dữ liệu các đồ án quy hoạch xây dựng; quản lý tài sản, thiết bị hạ tầng kỹ thuật: cây xanh, chiếu sáng, cấp nước…; tạo ra các ứng dụng giám sát môi trường, quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên nước, đánh giá mức độ sạt lở… và nhiều ứng dụng khác.
Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng GIS trong công tác quản lý đô thị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ chính sách, quy định chưa đầy đủ, thống nhất; nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm và đánh giá hết vai trò và tầm quan trọng của GIS; hạ tầng công nghệ thông tin tại nhiều địa phương chưa sẵn sàng; chất lượng dữ liệu đầu vào xây dựng cơ sở dữ liệu chưa tốt; đội ngũ nhân lực có chuyên môn về GIS chưa đáp ứng được nhu cầu…
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn số 1247/BXD-PTĐT ngày 14/04/2022 về việc hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh. Văn bản hướng dẫn này đã phần nào tháo gỡ các vướng mắc và thúc đẩy chính quyền các đô thị xác định cụ thể hơn vai trò của GIS, từ đó xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển hệ thống GIS phục vụ quản lý phát triển đô thị.
GIS – Công cụ cần thiết để quản lý phát triển đô thị bền vững
Theo định nghĩa của nhiều chuyên gia, đô thị bền vững là đô thị đạt được sự thống nhất trong một khuôn khổ bền vững cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng tới các nhu cầu phát triển của thế hệ tương lai.
Chính vì thế, quản lý phát triển đô thị bền vững được hiểu là một quá trình quản lý sự phát triển cho đô thị mà ở đó yếu tố “bền vững” là trọng tâm của sự phát triển, thể hiện ở cả ba mặt kinh tế, xã hội, môi trường và được cụ thể hóa với đặc thù đô thị là các yếu tố có quan hệ mật thiết, hữu cơ lẫn nhau, bao gồm: kinh tế đô thị; xã hội đô thị; môi trường sinh thái đô thị; cơ sở hạ tầng đô thị và quản lý xây dựng đô thị.
Để quản lý phát triển đô thị bền vững, cần thiết phải có những công cụ quản lý kỹ thuật hiện đại, chính xác và có hiệu quả nhằm giúp hỗ trợ chính quyền có thể đưa ra các quyết định chính xác cho sự phát triển bền vững của đô thị.
Trong đó, GIS với những thế mạnh như mô hình hóa và phân tích không gian; cải thiện việc lưu trữ và tương tác dữ liệu; tăng cường khả năng truy cập… có thể giúp quản lý phát triển đô thị bền vững một cách “hiệu quả, hiệu lực và minh bạch”.
Bằng cách gắn những vấn đề cụ thể như các tiêu chí bền vững của đô thị với các yếu tố không gian, vị trí địa lý, GIS có thể phân tích các thông tin, yếu tố trừu tượng dễ dàng hơn ở một góc nhìn mới cụ thể và trực quan hơn với những mô hình chính xác, đáng tin cậy… Bên cạnh đó, GIS cũng giúp đo lường và kiểm soát các ưu tiên phát triển để bảo vệ nguồn lực sẵn có của đô thị; xác định vị trí tốt nhất để đầu tư phát triển nhằm tạo ra môi trường bền vững hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, GIS có thể hỗ trợ đưa ra quyết định cho một số nhóm tiêu chí trong quản lý phát triển đô thị bền vững. Một là phân tích dữ liệu kinh tế – xã hội để hỗ trợ xây dựng các quy hoạch, kế hoạch. Hai là hỗ trợ công tác lập quy hoạch như tổng hợp, phân tích dữ liệu, xây dựng mô hình phân tích không gian để đánh giá nhu cầu sử dụng đất, lựa chọn đất đai xây dựng, đánh giá khả năng phục vụ của hệ thống cơ sở hạ tầng…
Ba là xây dựng nền tảng ứng dụng GIS để huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị, bao gồm công bố quy hoạch, thu thập ý kiến và giám sát việc thực hiện thông qua các ứng dụng. Bốn là kiểm soát tài nguyên. Năm là kiểm soát tình trạng môi trường và đánh giá tác động môi trường. Sáu là thiết lập giới hạn cho sự phát triển của đô thị thông qua việc giám sát chỉ số phát triển của các kịch bản phát triển: quản lý đô thị hóa, kiểm soát tình hình xây dựng, giám sát thời gian thực tình hình ngập lụt…
Để phát huy vai trò của GIS trong quản lý phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam, các chuyên gia có đưa ra một số kiến như như xác định cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia là dữ liệu nền tảng để xây dựng các hệ thống GIS thống nhất; lồng ghép và giải quyết các vấn đề môi trường với sự hỗ trợ của GIS trong quá trình lập quy hoạch xây dựng đô thị; có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đô thị có chuyên môn về GIS nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong giai đoạn tới.
Phương Trang (Ảnh: Internet)
H.A.I lược dịch từ nhiều nguồn tài liệu