Về quan điểm, đất đai phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; được khai thác, sử dụng dựa trên khả năng cung ứng tự nhiên của hệ sinh thái (thuận thiên); được lượng hoá, hạch toán đầy đủ để bảo vệ không gian sinh tồn, bảo vệ môi trường, duy trì dịch vụ hệ sinh thái, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bồi bổ, phục hồi, bảo vệ và nâng cao chất lượng đất, nhất là chất lượng đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất của các cấp, đảm bảo quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền tảng cho các quy hoạch có sử dụng đất khác, được quản lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với cơ chế thị trường, làm cơ sở để phân bổ không gian phát triển trên mặt đất, trên không, và không gian ngầm cho các cấp, các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất là cơ sở để quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất công; đất do công ty nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức nhà nước khác quản lý, sử dụng; đất quốc phòng, an ninh; đất tôn giáo, tín ngưỡng; đất sử dụng đa mục tiêu; tích tụ, tập trung đất nông nghiệp.
Về phương pháp, quy hoạch sử dụng đất được xây dựng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan, dịch vụ hệ sinh thái, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững tổng thể quốc gia, là quy hoạch nền tảng, cơ sở của các quy hoạch có sử dụng đất của ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương tạo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai của từng vùng, địa phương, là cơ sở để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Về bảo vệ môi trường, bảo tồn tự nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm khả năng chịu tải của môi trường, khả năng cung ứng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, bảo đảm an ninh lương thực, cần khoanh vùng bảo vệ môi trường, tài nguyên đất theo 3 ranh giới, 4 khu vực, đặc biệt trú trọng bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất khu bảo tồn thiên nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất di tích danh thắng nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, quản lý diện tích rừng bền vững; bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; bảo vệ nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Về quy hoạch phát triển quỹ đất, cần bảo đảm phát triển quỹ đất theo hướng khai hoang, lấn biển; xây dựng công trình ngầm trong lòng đất tại khu vực có đủ điều kiện; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, thực hiện dồn điền, đổi thửa tại đô thị, điều chỉnh đất đai đô thị, thu hồi đất vùng phụ cận,phát triển hệ sinh thái đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch dọc theo các hướng tuyến hạ tầng giao thông theo phương pháp tiếp cận định hướng phát triển theo hạ tầng giao thông (TOD) để khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai tại các vùng trung du, miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo.
Về ưu tiên phát triển, cần ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các hạ tầng then chốt, có sức lan tỏa lớn; đáp ứng quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới; đặc biệt đối với vùng miền núi, biên giới, hải đảo nhằm thu hút các nguồn lực để khai thác hiệu quả quỹ đất.Cho phép chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa tại những khu vực bị nhiễm mặn, hạn hán, ngập lụt để chuyển sang các mục đích khác và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.</div>
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ