Quy hoạch sử dụng đất đã và đang đảm bảo quản lý, phân bổ nguồn tài nguyên hữu hạn cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung, cho các ngành, lĩnh vực nói riêng và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Làm thế nào để quy hoạch có được tầm nhìn dài hạn, định hướng cho việc sử dụng đất một cách hiệu quả, tiết kiệm? Làm thế nào để gắn các vấn đề thời sự như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường vào quy hoạch sử dụng đất? Đây là vấn đề đặt ra trong xây dựng quy hoạch sử dụng đất hiện nay.
Nền tảng của mọi quy hoạch có sử dụng đất
Quy hoạch trong tiếng Hán có nghĩa là quy định, nguyên tắc vẽ, phân chia đường giới nên nói đến quy hoạch là nói đến việc phân vùng sử dụng đất theo không gian.
Trên thế giới, quy hoạch chỉ được sử dụng cho quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu đô thị, quy hoạch khu công nghiệp là việc phân vùng, phân khu đường giới, xác định cách thức phân chia lớp phủ thực vật, lớp xây dựng, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo hoạch định theo khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt cấm phát triển; khu vực bảo tồn, bảo vệ được phép có một số hoạt động phát triển; khu vực hạn chế phát triển; khu vực phát triển đa mục tiêu. Trong khu vực phát triển đa mục tiêu, xác định rõ mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, mật độ dân cư, không gian xanh, hồ điều hòa và không gian mở.
Ở Việt Nam, theo Luật Đất đai 2013: “Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.”
Thực tế, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội là sản phẩm đặc trưng của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước năm 1986, nhà nước quyết định sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, và sản xuất cho ai? Kế hoạch ngắn hạn lần thứ nhất được xây dựng lần đầu tiên ở Việt Nam là Kế hoạch 3 năm (1958-1960). Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân (1961-1965) bị gián đoạn tới khi thống nhất đất nước.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã nghiên cứu tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất trong cả nước, tổ chức nghiên cứu quy hoạch phát triển dài hạn của các ngành kinh tế, dự kiến phân vùng kinh tế cơ bản, lập sơ đồ chung về phân bố lực lượng sản xuất trong cả nước, từ đó quy hoạch dài hạn phát triển kinh tế, văn hóa cho từng tỉnh, huyện trong giai đoạn 1976-1985.
Đặc trưng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp là nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh chi tiết áp đặt từ trên xuống dưới. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Tất cả phương hướng sản xuất, nguồn vật tư, tiền vốn, định giá sản phẩm, tổ chức bộ máy, nhân sự, tiền lương… đều do các cấp có thẩm quyền quyết định. Mọi sự thay đổi trong kế hoạch và tổ chức thực hiện đều phải báo cáo lên cơ quan chủ quản. Nhà nước giao chỉ tiêu kế hoạch, cấp phát vốn, vật tư cho doanh nghiệp, doanh nghiệp giao nộp sản phẩm cho Nhà nước. Lỗ thì Nhà nước bù, lãi thì Nhà nước thu. Hệ quả của việc phân bổ nguồn lực không theo nhu cầu của thị trường là các cơ quan hành chính can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng lại không chịu trách nhiệm gì về vật chất và pháp lý đối với các quyết định của mình…
Trong nền kinh tế thị trường, giá cả thị trường dưới tác động của cung, cầu sẽ quyết định cách thức phân bổ nguồn lực khan hiếm của đất nước, quyết định ai sản suất, sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất ở đâu, và sản xuất cho ai? Các nước phát triển theo định hướng thị trường không xây dựng quy hoạch không gian về phát triển kinh tế, xã hội. Hầu hết các nước chỉ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ. Dựa trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và định hướng phát triển vùng, liên vùng để xây dựng quy hoạch không gian, sử dụng đất theo hướng tiếp cận thị trường.
Khác với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong một nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp là sản phẩm đặc trưng của nền kinh tế mệnh lệnh, các nước đều thống nhất quy hoạch là công cụ phân bổ không gian lãnh thổ được sử dụng ở cả nền kinh tế mệnh lệnh và kinh tế thị trường. Sau đổi mới kinh tế năm 1986, Việt Nam lần đầu tiên xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tới năm 2000, 2010, 2020 và đến nay là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tới năm 2030. Quy hoạch sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa đã phát huy được hiệu quả phân vùng sử dụng đất theo không gian cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đất đai vừa là tài nguyên, vừa là tài sản đặc biệt của quốc gia; đất đai không chỉ là nguồn lực để phát triển kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, chính trị, ổn định xã hội của đất nước. Bất kỳ một quốc gia nào việc quản lý “đinh” “điền” đều là vấn đề đại sự, đối với nước ta thì vấn đề này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Ngay từ Luật Đất đai đầu tiên năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 đều quy định về công tác quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch sử dụng đất là quy hoach duy nhất đảm bảo nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực.
Quy hoạch sử dụng đất có vai trò phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của cả nước và các địa phương. Quy hoạch sử dụng đất đã và đang đảm bảo quản lý, phân bổ nguồn tài nguyên hữu hạn cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung, cho các ngành, lĩnh vực nói riêng và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Quy hoạch sử dụng đất với quy trình lập, thẩm định, phê duyệt được quy định chặt chẽ trong pháp luật đất đai, cùng với công tác thống kê, kiểm kê đất đai, điều tra, đánh giá đất là những công cụ có tính thống nhất để quản lý nhà nước về đất đai. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất;… Quy hoạch sử dụng đất định hướng cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư có hiệu quả vào đất đai.
Quy hoạch là công cụ quản lý Nhà nước mà tất cả các ngành kinh tế quốc dân đều phải có; quy hoạch sử dụng đất cùng với các quy hoạch của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất khác là cơ sở để nhà nước kiểm soát việc sử dụng đất đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phát triển. Đây là thực trạng khách quan, là điều kiện cần để các ngành tồn tại và phát triển. Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền tảng, là việc khoanh định và phân bổ các loại đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng và điều chỉnh sự khoanh định, phân bổ đó.
Năm giải pháp trọng tâm
Một trong những giải pháp nâng cao vai trò của quy hoạch sử dụng đất, nâng cao chất lượng của phương án quy hoạch sử dụng đất là phải xác định đúng vai trò, vị trí của quy hoạch sử dụng đất trong hệ thống quy hoạch của Nhà nước. Vai trò, vị trí của quy hoạch sử dụng đất đã từng bước thực hiện được các yêu cầu như sau:
Thứ nhất, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền tảng, có vai trò phân bổ quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của cả nước và từng địa phương.
Thứ hai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ quản lý nhà nước về đất đai.
Thứ ba, quy hoạch sử dụng đất là căn cứ để lập kế hoạch sử dụng đất; là căn cứ để các ngành, lĩnh vực lập quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp với nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của cả nước và các địa phương.
Thứ tư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyên mục đích sử dụng đất; định hướng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư có hiệu quả vào đất đai.
Thứ năm, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là căn cứ để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ