Cuộc chiến kiên cường và không ngừng nghỉ với biển và ngập nước để tồn tại từ trên 2000 năm nay của người Hà Lan đã tạo nên hệ thống đê điều, kè biển, cửa cống và cửa chắn lụt được ví như kỳ quan thế giới – niềm kiêu hãnh của người Hà Lan – những người mà từ thế hệ này qua thế hệ khác, đã phải gồng mình để giành giật đất từ biển, sau đó cải tạo chúng để xây lên những thành phố, làng quê thơ mộng và trù phú.
Là một quốc gia có mật độ dân số khá cao nhưng với gần 2/3 diện tích lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, Hà Lan chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu. Nhưng những sự cố vỡ đê dường như chưa bao giờ làm nhụt chí, mà trái lại còn làm người Hà Lan trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn trong việc trị thủy, và ngày nay, người Hà Lan không coi biến đổi khí hậu là nguy cơ, thách thức đối với nền kinh tế…, mà còn nhìn nhận đó là cơ hội…
Tại một đất nước có mật độ đô thị dày đặc như Hà Lan, ứng phó lũ lụt và quản lý nguồn nước là vấn đề được quan tâm trong giải pháp quy hoạch không gian mới, bao gồm việc kết hợp giữa quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế, thiết kế cảnh quan và thích ứng môi trường. Bài viết sẽ tập trung phân tích những nỗ lực trong công tác quy hoạch không gian “từ Đông sang Tây” tại khu vực trung tâm Hà Lan, từ những vùng đất yếu dọc bờ biển, những nơi có mực nước sông dâng cao ở phía Đông đến những hạn chế phát triển đô thị ở khu vực chính giữa.
Đạo luật Quy hoạch không gian (Wet op de Ruimtelijke Ordening, WRO), điều chỉnh Quy hoạch không gian và Quy hoạch đô thị tách biệt với nhà ở, được ban hành vào năm 1965. Đạo luật Quy hoạch không gian hiện nay đã được tích hợp trong hệ thống Đạo luật Môi trường (Omgevingswet) cùng với các luật và nghị định khác như Đạo luật Quản lý môi trường và Dự thảo Đạo luật Môi trường thống nhất 26 luật liên quan đến môi trường đã được đệ trình lên Hạ viện vào tháng 6/2014. Mục đích của việc tích hợp được coi là đơn giản hóa các thủ tục để đẩy nhanh quá trình ra quyết định nhằm đảm bảo tính nhất quán với các quy hoạch không gian và dự án/hoạt động liên quan đến môi trường, thiên nhiên, cho phép áp dụng luật phù hợp với tình hình hiện tại của các khu vực và hệ thống pháp luật về quy hoạch không gian cũng sẽ được sửa đổi. Đạo luật Môi trường được thực thi kể từ năm 2018.
Tầm nhìn cấu trúc liên quan đến các chính sách chiến lược, đặt ra những nguyên tắc cơ bản của chính sách không gian, cũng như phương thức thực hiện các chính sách. Tầm nhìn cấu trúc về cơ sở hạ tầng và không gian (Structuurvisie Infrastructuur en Ruimte (SVIR)) được thành lập vào tháng 3/2012 và trở thành Chiến lược không gian quốc gia. SVIR đặt ra như một triển vọng dài hạn, mục tiêu “Hà Lan cạnh tranh, dễ tiếp cận, dễ sinh sống và an toàn” cũng được thể hiện dưới dạng phụ đề nêu rõ là mục tiêu trung hạn đến năm 2028: i) nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng cường cấu trúc kinh tế theo không gian; ii) nâng cấp và đảm bảo không gian tiếp cận ưu tiên hàng đầu cho người sử dụng; iii) đảm bảo môi trường bền vững, an toàn, duy trì thiên nhiên phong phú và giá trị văn hóa, lịch sử cao. Trong khi các thành phố trực thuộc Trung ương luôn xây dựng kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất cho các khu vực chưa phát triển, Luật mới yêu cầu họ phải lập, cập nhật các quy hoạch phân khu cho tất cả mọi khu vực.