A- Cơ hội
1. Phát triển kinh tế đô thị thông minh
Hiện nay, đô thị thông minh đang được rất nhiều quốc gia quan tâm nhằm bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới và thời đại 4.0. Tại Việt Nam, các đô thị là nơi được tiếp cận đầu tiên với các thành tựu khoa học, công nghệ mới, đây chính là cơ sở để phát triển nền kinh tế đô thị theo hướng hiện đại và hội nhập đa dạng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Các đô thị cũng là nơi có nền giáo dục phát triển, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin được đầu tư, mạng internet được bao phủ toàn bộ đô thị, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao, nhờ đó có thể phát triển nhanh kinh tế đô thị thông minh trong thời gian ngắn.
2. Thu hút đầu tư
Nền chính trị ổn định và việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn trên thế giới đã đem lại cơ hội cho các đô thị trong thu hút đầu tư. Mặt khác, khu vực đô thị cũng là nơi có tiềm lực tài chính, công nghệ phát triển mạnh và năng động, giao thông thuận tiện… hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song các đô thị vẫn thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…
3. Sử dụng nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao
Các đô thị là nơi có hệ thống giáo dục, đào tạo phát triển, cung cấp cho nền kinh tế nguồn lao động chất lượng cao với quy mô lớn. Đồng thời, đây cũng là nơi tập trung nhiều lao động trẻ, lành nghề với chi phí cạnh tranh, đó là lợi thế lớn để phát triển kinh tế.
4. Liên kết, hợp tác kinh tế vùng đô thị
Các đô thị phát triển dẫn đến các vùng lân cận cũng phát triển theo, chính vì vậy, việc liên kết và hợp tác kinh tế giữa các đô thị với nhau và giữa đô thị với khu vực ngoài đô thị cũng đang trở thành một hướng đi mới để mang lại sự phát triển cho kinh tế đô thị, cũng như hình thành mô hình kinh tế đô thị “cộng sinh” – các đô thị nương nhờ vào nhau và tương trợ cho nhau cùng phát triển, từ đó, kinh tế vùng, miền, lãnh thổ ngày một bền vững. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình phát triển kinh tế đô thị của TP. Hồ Chí Minh khi đặt kết nối vùng để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics gắn với chuỗi đô thị biển tại vịnh Cần Giờ.
B- Thách thức
1. Quản lý nhà nước về kinh tế đô thị
Thể chế và hoạt động thống kê phục vụ quản lý kinh tế đô thị đang là rào cản lớn trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế cho đô thị. Bởi, hiện nay, Việt Nam chưa có một văn bản pháp luật cụ thể quy định về công tác thu thập dữ liệu kinh tế đô thị nói riêng và đô thị nói chung, dẫn đến dữ liệu thu thập vẫn còn mang tính chung chung hoặc thiếu dữ liệu. Các chỉ tiêu thống kê đánh giá phát triển kinh tế đô thị phục vụ các mục tiêu khác nhau, do đó, phương pháp thu thập, tính toán dữ liệu chưa được chuẩn hóa cho mục đích thực hiện.
Hơn nữa, hệ thống phân loại, nâng cấp và quy hoạch đô thị hiện còn bất hợp lý, kích thích chính quyền địa phương chạy theo thành tích (thay vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững) mở rộng quy mô đô thị và đầu tư quá mức, bỏ qua các chỉ tiêu thực tế về mật độ dân số, về khả năng kết nối để kích thích tăng trưởng.
2. Nguồn lực đầu tư phát triển
Phát triển kinh tế đô thị nói chung và định hướng đô thị thông minh nói riêng cần phải có nguồn lực đầu tư lớn, trong khi đó, ngân sách nhà nước có hạn và phải phân bổ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, quỹ đất cho phát triển kinh tế đô thị cũng là một thách thức lớn khi vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để phát triển đô thị mất rất nhiều thời gian.
3. Chịu tác động từ nền kinh tế thị trường
Phần lớn sự phát triển của nền kinh tế đô thị đều dựa trên nền tảng phát triển của các doanh nghiệp, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, thường tập trung tại các đô thị. Những doanh nghiệp này đều có trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính hạn chế. Điều này dẫn tới các nền kinh tế đô thị đứng trước tác động trực tiếp, nhanh chóng từ những biến động kinh tế từ môi trường bên ngoài, từ những biến động trên thị trường về giá cả, lãi suất, tỷ giá hối đoái…
4. Ô nhiễm môi trường
Hậu quả của quá trình phát triển nóng đô thị và kinh tế đô thị, mà thiếu sự giám sát, quản lý chặt chẽ đó là làm tăng chất thải gây ô nhiễm, như: chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, màu vẽ, hóa chất và chất thải từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Nhiều loại chất thải hữu cơ từ sản xuất công nghiệp có trong nguồn nước được sử dụng để tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm đất, nguồn nước và sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, số lượng bãi chôn lấp chất thải bảo đảm tiêu chuẩn ở đô thị chưa nhiều, tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
5. Giải quyết vấn đề dân cư
Việc giải quyết chênh lệch giữa tăng trưởng kinh tế đô thị và phát triển không gian đô thị cũng là một thách thức không nhỏ. Bởi, sự phát triển không gian đô thị không phù hợp dễ kìm hãm sự phát triển kinh tế của đô thị, làm giảm chất lượng cuộc sống của dân cư.
Ngoài ra, hiện nay các đô thị Việt Nam chưa được liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống đồng bộ. Khác với thế giới, các đô thị Việt Nam thường hình thành với đô thị hạt nhân bao quanh là một vùng nông thôn rộng lớn mang nặng cơ cấu truyền thống văn hóa làng, xã với mặt bằng dân trí không cao. Ngày càng có sự đối lập giữa các khu vực đô thị mới với các tòa chung cư cao tầng hiện đại, tiện nghi, sang trọng và các xóm nhà ở lụp xụp, tạm bợ của người nghèo và người nhập cư. Phân hóa giàu – nghèo trong đô thị và giữa đô thị với nông thôn ngày càng sâu sắc.
ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân, Trường Đại học Tân Trào