Thực trạng phát triển kinh tế đô thị Việt Nam

October 13, 20230
Tính đến năm 2020, cả nước có 862 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 39,3% năm 2020.
Tổng diện tích đất đô thị trên cả nước tính đến năm 2020 đạt 2.028.070 ha, chiếm 6,12% tổng diện tích tự nhiên. Các địa phương có diện tích đất đô thị lớn, gồm: Quảng Ninh là 119.660 ha, Thanh Hóa là 84.250 ha, Lâm Đồng là 80.900 ha, Bình Dương là 68.040 ha, TP. Hồ Chí Minh là 59.950 ha, Quảng Nam là 57.550 ha, Thừa Thiên Huế là 54.370 ha, Gia Lai là 47.770 ha, Cần Thơ là 47.250 ha, Đồng Nai 45.640 là ha, Hà Nội là 43.020 ha, Đăk Lắk là 40.750 ha, Hải Dương là 39.470 ha…

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến cho số dân thành thị cũng tăng nhanh chóng, đạt 34 triệu người vào cuối năm 2020, chiếm khoảng 35% tổng dân số cả nước. Tỷ lệ tăng dân số bình quân khu vực thành thị giai đoạn 2011-2020 là 2,64%/năm, gấp hơn 2 lần tỷ lệ tăng dân số của cả nước và gấp 6 lần tỷ lệ tăng dân số khu vực nông thôn. Trong đó, yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,3 triệu người, chiếm 3,8% dân số thành thị. Đặc biệt, nhờ có sự chuyển đổi từ xã thành phường, thị trấn của nhiều địa phương góp phần chuyển 7,7 triệu người đang là cư dân nông thôn thành cư dân thành thị, tương đương gần 22,6% dân số thành thị của cả nước năm 2020 (Ban Mai, 2021).Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh nhất cả nước, tiếp đó là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp (Bộ Xây dựng, 2020). Điều này cũng được chứng minh thông qua thu nhập bình quân đầu người của dân cư đô thị, bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân một người/tháng ở khu vực thành thị đạt 5,538 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (Tổng cục Thống kê, 2020).

Một số vấn đề về phát triển kinh tế đô thị tại Việt Nam[1]

Không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP, khu vực đô thị còn góp phần quan trọng chuyển dịch mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế, từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn.

ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân, Trường Đại học Tân Trào

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *