Trong bối cảnh mới, việc phát triển kinh tế đô thị đòi hỏi sự đổi mới và áp dụng những giải pháp hiệu quả. Một số giải pháp quan trọng đã được đưa ra để đáp ứng thách thức và cơ hội mà đô thị đang đối mặt.
Thứ nhất, đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập hành lang pháp lý, hoàn thiện công cụ quản lý kinh tế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế đô thị. Khi lập quy hoạch đô thị, cần coi trọng phát triển các đô thị vệ tinh để giảm mật độ dân số ở trung tâm nội đô, tạo điều kiện xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, nâng cao chất lượng sống.
Ngoài ra, cần tiếp tục cải cách và đổi mới thủ tục, cơ chế vận hành bộ máy quản lý để bảo đảm thực hiện tốt vai trò dẫn dắt và quản lý của chính quyền địa phương đối với nền kinh tế. Trên cơ sở đó, các đô thị sẽ huy động được tối đa các nguồn lực, đầu tư phát triển đúng trọng tâm và trọng điểm, mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Mặt khác, các đô thị cần thúc đẩy nguồn lực sáng tạo và khởi nghiệp để mang đến những cơ hội mới cho phát triển kinh tế.
Thứ hai, các địa phương cần có chính sách đồng bộ với chính sách của cả nước trong mở rộng quy mô về không gian cũng như dân số đô thị nhằm tạo nguồn lực và thị trường cho sự phát triển kinh tế. Đặc biệt, các địa phương cần liên kết với nhau để tạo ra không gian kinh tế nói chung và không gian đô thị nói riêng, bảo đảm cho việc phân bổ các nguồn lực được hiệu quả hơn giữa các địa phương, đô thị và vùng ngoài đô thị.
Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò động lực trong phát triển kinh tế đô thị từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất chế biến công nghiệp, chế tạo và dịch vụ. Điều này sẽ tạo ra sự cộng hưởng phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam và phát huy tối đã những lợi thế của các địa phương. Mặt khác, các địa phương cần tạo mọi điều kiện về mặt thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến chuỗi phát triển đô thị nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế đô thị nói riêng và kinh tế địa phương nói chung.
Thứ tư, các địa phương cần tích cực và chủ động hội nhập quốc tế để tranh thủ nguồn ngoại lực, trên cơ sở đó, kết hợp nội lực để có thể bắt kịp xu thế phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đô thị.
Ngoài ra, cần tăng cường kết nối giữa các đô thị theo hành lang kinh tế, khu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế quốc gia (cửa khẩu và ven biển), liên kết với các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, khu vực Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng (GMS), vùng Đông Bắc Á… để bảo đảm phát triển đô thị năng động, hiệu quả./.
“Một trong những giải pháp quan trọng nhất là xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo ra một môi trường sống hiệu quả và bền vững. Các dự án xanh không chỉ hướng tới tăng cường vùng xanh trong đô thị mà còn thúc đẩy sự chuyển đổi số, tạo nên các khu vực thông minh và linh hoạt. Ngoài ra, quy hoạch đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các không gian phát triển kinh tế đô thị đặc sắc. Việc quy hoạch một cách hợp lý và sáng tạo có thể tạo ra các khu vực tập trung năng lượng và sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững và đa dạng. Đồng thời, sự đầu tư vào hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng để khuyến khích phát triển kinh tế đô thị. Hệ thống giao thông, điện lực, nước sạch và các tiện ích công cộng chất lượng cao là chìa khóa để thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách quản lý đất đai cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình phát triển kinh tế đô thị. Việc sử dụng đất một cách hiệu quả, đồng thời giữ lại những khu vực xanh là quan trọng để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Cuối cùng, việc thúc đẩy nghiên cứu và sáng tạo là chìa khóa để giải quyết những thách thức phức tạp trong phát triển kinh tế đô thị. Các giải pháp công nghệ mới, ý tưởng sáng tạo và khám phá khoa học có thể mở ra những hướng đi mới, giúp đô thị phát triển một cách bền vững và linh hoạt trong thời đại hiện đại” (Nguyễn Ninh Hải – Công ty H.A.I).
ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân, Trường Đại học Tân Trào