Trình tự thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS tại Việt Nam

February 12, 20240

1. Quy trình chung.

Quy trình của giai đoạn thí điểm và giai đoạn triển khai mở rộng có thể khái quát gồm 6 bước, thể hiện trong sơ đồ tại Hình 1, trong đó:

– Bước 01: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch, chương trình thực hiện xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS cấp tỉnh trong đó cần xác định các lĩnh vực ưu tiên thực hiện thông minh hóa, lựa chọn khu vực thí điểm trước khi mở rộng triển khai, phương pháp thực hiện, giải pháp kỹ thuật, tổ chức thực hiện và dự kiến nguồn kinh phí thực hiện.

– Bước 02: Thu thập, tổng hợp và phân loại dữ liệu; Xử lý, chuẩn hóa dữ liệu và thiết lập dự liệu nền tảng; Rà soát, đánh giá quy trình báo cáo, quản lý dữ liệu và phân công, phân cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ.

– Bước 03: Thiết lập trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu và thiết kế phần mềm quản lý, khai thác sử dụng dữ liệu.

– Bước 04: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy chế, quy định về: tổ chức bố trí nhân sự thực hiện các cấp; công tác phối hợp triển khai liên ngành trong việc cung cấp, chia sẻ và duy trì dữ liệu; trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai thực hiện; hướng dẫn khai thác, sử dụng dữ liệu theo phân cấp, phân quyền.

– Bước 05: Tổ chức đào tạo, tập huấn theo các nhóm thực hiện gồm: trực tiếp quản lý, vận hành.

– Bước 06: Công bố, công khai rộng rãi về cổng thông tin Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hình 1. Sơ đồ minh họa 06 bước thực hiện tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS

2. Nội dung cụ thể các bước tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS

Bước 1: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch, chương trình thực hiện

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng và ban hành đề án tổng thể xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị toàn tỉnh, Đề án cần nêu rõ:

– Xác định các giai đoạn thực hiện theo các mốc thời gian và kết quả cụ thể cần đạt được, cụ thể gồm: (1) Giai đoạn thí điểm; (2) Giai đoạn triển khai mở rộng; (3) Giai đoạn chuyển giao công nghệ, duy trì, vận hành, khai thác sử dụng.

– Xác định mô hình chỉ đạo, tổ chức thực hiện chung về chuyển đổi sổ hoặc phát triển đô thị thông minh ở cấp tỉnh (ví dụ như thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Văn phòng điều hành…) tùy theo điều kiện thực tế.

– Xác định các lĩnh vực ưu tiên trên cơ sở nhu cầu thực tiễn để thực hiện theo lộ trình, tránh dàn trải và lãng phí nguồn lực.

– Tham vấn, lựa chọn giải pháp công nghệ thực hiện phù hợp với thực trạng, yêu cầu, nhu cầu quản lý dữ liệu và nguồn lực của mỗi địa phương.

– Giải pháp cụ thể bố trí nguồn lực thực hiện trong quá trình triển khai đề án và sau khi chuyển giao công nghệ.

– Đề xuất các nội dung thể chế hóa và các tài liệu hướng dẫn, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện. Việc bố trí nguồn lực xây dựng đề án, tuyển chọn tư vấn… thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.

– Ban hành quy định khung về trách nhiệm các ngành, các cấp, phân định rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp trong quá trình thực hiện. Định kỳ rà soát, cập nhật sửa đổi bổ sung trong quá trình thực hiện để hoàn thiện cơ chế phối hợp liên cấp, liên ngành.

Bước 2: Thu thập, tổng hợp, phân loại, xử lý, tích hợp dữ liệu và chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ

a) Thu thập, tổng hợp và phân loại

Dữ liệu thu thập có thể có nhiều định dạng, thể thức khác nhau (ví dụ như: văn bản, bản đồ giấy hoặc văn bản, bản đồ số hóa dưới các định dạng khác nhau). Nguồn dữ liệu có thể được quản lý tập trung hoặc phân tán ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Thậm chí, dữ liệu do từng tổ đội sản xuất của các công ty quản lý cung cấp dịch vụ đô thị nắm gi. Do đó, việc thu thập dữ liệu cần được triển khai có hệ thống nhưng đảm bảo linh hoạt, không yêu cầu phải có đầy đủ ngay từ đầu mà thực hiện theo phương châm từng bước chỉnh lý, nâng cao để tiến tới hoàn thiện. Để đảm bảo thống nhất về các yêu cầu kỹ thuật và thuận tiện trong quá trình thiết lập, duy trì, vận hành, khai thác sử dụng, công tác thu thập, tổng hợp, phân loại và xử lý dữ liệu cần đáp ứng các yêu cầu như sau:

– Các thông tin, dữ liệu được tích hợp vào Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phải rõ nguồn gốc, được kiểm tra xác minh về tính chính xác, tình trạng pháp lý và được xác nhận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

– Dựa trên đặc điểm, hình thức, định dạng của mỗi loại dữ liệu, nghiên cứu xây dựng biểu mẫu thu thập làm cơ sở để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập dữ liệu.

b) Yêu cầu về xử lý và chuẩn hóa dữ liệu

– Các thông tin, dữ liệu được xử lý, chuẩn hóa phải tuân thủ các quy định sau: (1) Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành danh mục Tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; (2) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 42:2020/BTNMT về chuẩn thông tin địa lý cơ sở ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BTNMT ngày 31/8/2020; (3) Thông tư số 15/2020/TT-BTNMT ngày 30/11/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật về mô hình cấu trúc, nội dung cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000; (4) Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng Quy định về nội dung hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.

– Thiết lập hệ thống quản lý, lưu dữ liệu gốc trên cơ sở các dữ liệu sau khi xử lý và đảm bảo an ninh, an toàn.

c) Thiết lập dữ liệu nền tảng

Dữ liệu nền tảng gồm có Lớp dữ liệu quy hoạch xây dựng tích hợp trên Lớp dữ liệu nền địa lý quốc gia, cơ sở đề xây dựng dữ liệu nền tảng gồm:

– Lớp dữ liệu nền địa lý được khai thác tại Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam và được cập nhật tỷ lệ 1:2.000 và 1:5.000 theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018.

– Lớp dữ liệu quy hoạch xây dựng là lớp dữ liệu chuyên ngành được thiết lập trên cơ sở tích hợp các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt và phải được xử lý, chuẩn hóa về hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000, hệ độ cao quốc gia Việt Nam.

– Trường hợp còn mâu thuẫn giữa các thông tin, dữ liệu, bản đồ trong quá trình xử lý, tích hợp, cần khoanh vùng đối tượng, kiểm tra, rà soát đối chiếu trên thực địa để hiệu chỉnh từng bước số hóa để cập nhật lên Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS.

– Các dữ liệu nền tảng phải được thường xuyên cập nhật thông tin trong quá trình khai thác vận hành.

d) Tích hợp các thông tin dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý đô thị, phát triển các tiện ích đô thị

– Tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện thực tiễn, các địa phương có thể phát triển, tích hợp các lớp dữ liệu chuyên ngành khác (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, nhà ở, thị trường bất động sản và các nhu cầu quản lý các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội khác trong đô thị…) để phục vụ công tác quản lý đô thị và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho đô thị.

– Các dữ liệu được tích hợp lên Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ, liên thông với các dữ liệu khác trong hệ thống quản lý dữ liệu và có tính mở.

– Ứng dụng quản lý dữ liệu phải đảm bảo thuận tiện cho người sử dụng khi truy cập và kết xuất. Dữ liệu kết xuất phải đảm bảo tính chia sẻ và có khả năng tương thích với các ứng dụng phần mềm thông dụng.

– Việc tích hợp liên thông, cơ sở dữ liệu trên Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS thực hiện theo nguyên tắc phối hợp, chia sẻ thông tin và thống nhất giữa các bên tham gia xây dựng, quản lý và vận hành.

– Cơ quan quản lý dữ liệu chịu trách nhiệm về nội dung, cập nhật dữ liệu và quản trị dữ liệu do đơn vị quản lý trong quá trình khai thác, vận hành. Cơ quan quản lý vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS chịu trách nhiệm lưu trữ, bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu.

Hình 4: Mô phỏng các Lớp dữ liệu tích hợp trên nền tảng GIS

e) Chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ

– Xây dựng danh mục dữ liệu theo yêu cầu, nhu cầu quản lý, khai thác, sử dụng.

– Khảo sát, đánh giá quy trình tác nghiệp của các cơ quan có thẩm quyền sở hữu dữ liệu; chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị công tác; phân công nhiệm vụ của các vị trí công tác trong tổ chức bộ máy.

– Sơ đồ hóa mô tả mối liên hệ giữa các đơn vị trực thuộc và các cơ quan liên quan thực hiện cung cấp, báo cáo số liệu.

– Thiết kế sơ đồ quy trình nghiệp vụ cho từng đối tượng dữ liệu.

Bước 3: Thiết lập trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu và thiết kế phần mềm quản lý

a) Nguyên tắc thiết lập trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu

– Trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu đô thị phải bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ lưu trữ và khai thác cơ sở dữ liệu đô thị, khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có liên quan và các yêu cầu về an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu đô thị.

– Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định áp dụng đối với Trung tâm dữ liệu theo Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

– Tuân thủ nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ và duy trì cơ sở dữ liệu được quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/4/2020 về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước.

– Xác định cấu hình các trang thiết bị, máy móc cần thiết phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng, vận hành phần mềm, đảm bảo nguồn ngân sách cho việc nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ

– Các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế có thể đặt hạ tầng và máy chủ của hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị quản lý tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các địa phương đã sẵn có, đầu tư mới hoặc thuê hạ tầng và máy chủ của hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị của các nhà cung cấp dịch vụ có năng lực đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu. Việc hình thành mới hoặc thuê hạ tầng và máy chủ phải đáp ứng quy định pháp luật và các hướng dẫn chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông.

– Trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu đô thị tiến hành triển khai cung cấp các dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và trên cơ sở khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng của trung tâm quản lý.

– Các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ của trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu đô thị phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động trên tài khoản truy cập của mình.

– Đảm bảo kinh phí ngân sách nhà nước thường xuyên hàng năm cho công tác quản lý, vận hành và bảo trì, bảo dưỡng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu đô thị, phục vụ nhiệm vụ chung.

b) Nguyên tắc thiết kế phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đô thị:

– Phần mềm quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu đô thị được xây dựng theo mô hình GIS tập trung với khả năng cung cấp thông tin và dữ liệu GIS cho đa người dùng qua mạng.

– Phần mềm cho phép các chức năng GIS chạy trên môi trường máy chủ trung tâm và có thể truy xuất từ nhiều thiết bị trên mạng thông tin.

– Phần mềm quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu đô thị phải đảm bảo các yêu cầu, tính năng là:

(1) Tính an toàn, bảo mật và hoạt động thường xuyên của hệ thống;

(2) Tính tương tác, chia sẻ giữa các nhóm người dùng trong hệ thống;

(3) Khả năng đăng tải dữ liệu không gian hoặc tài liệu và phân quyền cho lớp dữ liệu;

(4) Khả năng hiển thị thông tin, dữ liệu trên nền GIS;

(5) Khả năng xem thông tin thuộc tính và truy vấn dữ liệu;

(6) Khả năng chỉnh sửa thông tin, dữ liệu;

(7) Khả năng tìm kiếm thông tin, dữ liệu;

(8) Khả năng theo dõi các hoạt động của người dùng trong hệ thống;

(9) Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản pháp luật liên quan;

(10) Cung cấp các công cụ thao tác với lớp dữ liệu bản đồ.

(11) Khả năng xuất thông tin, dữ liệu và in ấn, xuất bản đồ.

(12) Khả năng quản trị hệ thống.

Bước 4: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy chế, quy định

a) Ban hành quy định thống nhất về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu đô thị

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về công tác thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu đô thị, trong đó quy định cần bao gồm các nội dung về Công tác thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu; Khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu; Trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan thực hiện; Lưu trữ, bảo quản và an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành về công tác lập bản đồ, lập quy hoạch, tổ chức nghiên cứu và ban hành quy định thống nhất về quy cách thể hiện bản đồ số trong các công tác lập quy hoạch để tạo thuận lợi trong công tác tích hợp các bản đồ lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu.

– Các Sở ngành phối hợp xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đối với công tác xử lý, số hóa dữ liệu theo các mảng, lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công theo dõi, thực hiện để trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

b) Hướng dẫn khai thác, sử dụng dữ liệu theo phân cấp, phân quyền

Hệ thống vận hành và khai thai cơ sở dữ liệu đô thị được phân loại theo 04 nhóm:

(1) Nhóm người dùng cung cấp dữ liệu:

– Bao gồm các cá nhân, đơn vị sở hữu dữ liệu không gian của tỉnh sẽ tải các nguồn dữ liệu này lên cùng với các thông tin mô tả kèm theo (metadata).

– Nguồn dữ liệu không gian có thể ở dạng vector, raster, cơ sở dữ liệu. Các thông tin metadata được nhập khi tải dữ liệu lên gồm: đơn vị cung cấp, loại dữ liệu, phạm vi, thời điểm cung cấp,…

– Hệ thống cung cấp chức năng tải dữ liệu không gian cho phép nhóm người dùng cung cấp dữ liệu có thể tải các nguồn dữ liệu này về trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu đô thị.

– Hệ thống cung cấp công cụ cập nhật siêu dữ liệu cho phép người cung cấp dữ liệu có thể cập nhật các thông tin metadata.

(2) Nhóm người dùng khai thác dữ liệu:

– Gồm các cá nhân, đơn vị có nhu cầu tìm kiếm, xem hoặc tải dữ liệu sẽ truy cập vào hệ thống bằng máy bàn hoặc các thiết bị di động thông minh để tìm kiếm theo các thông tin metadata kèm theo của các lớp dữ liệu.

– Tùy theo phân quyền của đơn vị cung cấp dữ liệu, người dùng khai thác có thể truy suất dữ liệu với nhiều định dạng khác nhau như: shapefile, KML, GeoJSON, xls, csv, dữ liệu Mapinfor ….

– Hệ thống cung cấp chức năng phục vụ cho việc khai thác cơ sở dữ liệu của người dùng gồm: bật/tắt các lớp dữ liệu; xem thông lớp dữ liệu; mở rộng khung nhìn; phóng to/thu nhỏ bản đồ; lọc thông tin dữ liệu; chọn một/nhiều đối tượng trên bản đồ; đo khoảng cách/diện tích trên bản đồ; đánh dấu vị trí trên bản đồ; làm mờ các lớp dữ liệu; tìm kiếm thông tin theo địa chỉ; tìm kiếm thông tin theo thuộc tính các lớp dữ liệu; tìm kiếm theo không gian các lớp dữ liệu; tìm kiếm theo tọa độ trên bản đồ; định vị vị trí người dùng; in ấn, xuất bản bản đồ; xin ý kiến đóng góp của người dùng; công bố tin tức tới người dùng.

(3) Nhóm người dùng biên tập dữ liệu:

– Đóng vai trò cầu nối giữa đơn vị cung cấp dữ liệu và người dùng khai thác dữ liệu. Nhóm người dùng này là những người có chuyên môn về GIS để chuẩn hóa dữ liệu (chuẩn hóa tọa độ, font chữ, lỗi hình học,…) và biên tập hiển thị, trình bày bản đồ.

– Hệ thống cung cấp các công cụ phục vụ biên tập hiển thị, chuẩn hóa dữ liệu và trình bày bản đồ cho nhóm người dùng này gồm: hiển thị danh sách, thêm mới, cập nhật, xóa lớp dữ liệu; xuất excel thông tin lớp dữ liệu; tải mới các lớp dữ liệu; sắp xếp thứ tự hiển thị chồng lớp; tùy chỉnh hiển thị thông tin các lớp dữ liệu; cấu hình làm mờ khi hiển thị; thiết kế style cho lớp dữ liệu; xem và biên tập ý kiến đóng góp của người dùng; biên tập tin tức công bố.

(4) Nhóm người dùng quản trị hệ thống:

– Là nhóm người dùng đảm bảo hệ thống được vận hành ổn định, liên tục, an ninh, an toàn dữ liệu, điều phối việc cung cấp và khai thác dữ liệu.

– Hệ thống cung cấp các công cụ phục vụ cho nhóm người dùng quản trị hệ thống gồm: quản lý danh sách người dùng; phân quyền cho người dùng; cài đặt và cấu hình các thông tin chung; lưu vết thông tin người dùng.

Bước 5: Tổ chức đào tạo, tập huấn theo các nhóm thực hiện

– Tập trung đào tạo đội ngũ quản trị tiếp quản và vận hành hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị. Chú trọng vào công tác đào tạo chuyển giao công nghệ để đội ngũ cán bộ quản trị cao cấp có khả năng chủ trì thiết kế, xây dựng mới các ứng dụng trên nền tảng được chuyển giao.

– Đào tạo đội ngũ sử dụng trực tiếp hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị, đào tạo cán bộ nguồn có kỹ năng đào tạo để tạo sự chủ động cho địa phương trong việc đào tạo người dùng sau khi sản phẩm được chuyển giao.

Bước 6: Công bố, đưa vào sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS

– Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS khi đưa vào sử dụng phải được công bố, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp biết và tiếp cận sử dụng.

– Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phải có cổng thông tin riêng và được liên kết với các cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, các Sở ngành, địa phương để người dân, doanh nghiệp đề thuận tiện trong việc tiếp cận, truy cập, khai thác và sử dụng dữ liệu.

– Các dữ liệu, thông tin công bố, công khai là các dữ liệu, thông tin chính thức được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tại thời điểm công bố và chịu trách nhiệm với các thông tin, dữ liệu được công bố.

– Quy định cụ thể về công bố, công khai thông tin, dữ liệu hiển thị, thời điểm cập nhật và trách nhiệm thực hiện.

 

H.A.I lược dịch từ theo Công văn 1247/BXD-PTĐT ngày 14/4/2022 về Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *